Tăng sức hấp dẫn để hút đầu tư vào khu công nghiệp

Thời gian qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN- KCX) tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN-KCX còn nhiều nhược điểm nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Hoạt động của doanh nghiệp FDI Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. 	Ảnh: TTXVN

Chưa thu hút các nhà đầu tư lớn

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 335 KCN, và 17 khu kinh tế. Các dự án đầu tư trong KCN, khu kinh tế đã đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, thời gian qua, KCN, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong KCN, khu kinh tế đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2018…

Tuy nhiên, nhìn lại việc phát triển các KCN-KCX tại Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vẫn còn nhiều nhược điểm như các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu – Mỹ. Đồng thời, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN. Sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc nhận định, việc phát triển KCN, khu kinh tế còn gặp nhiều hạn chế, các nhà đầu tư chưa được trợ giúp nhiều trong việc hướng dẫn quy trình để hưởng những chế độ ưu đãi đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, các KCN được quy hoạch khá dàn trải, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư. Theo đó, để các KCN-KCX của Việt Nam phát triển mạnh hơn, ông Lộc cho rằng, Ban quản lý KCN – KCX cần rà soát, xem xét các vướng mắc để tháo gỡ cho nhà đầu tư. Đặc biệt, để có cơ hội đón nhận nhà đầu tư mới, Ban quản lý KCN-KCX cần có những ứng xử tốt hơn, để tranh thủ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc lại. Cần có nhiều cải cách về thể chế, giải pháp nâng cấp dịch vụ trong KCN tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Chú trọng phát triển hạ tầng, kết nối

Dưới góc độ là nhà đầu tư nước ngoài, ông Kenji Usuda, Tổng giám đốc Công ty Kyouwa (Nhật Bản) cho rằng, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, công ty cũng gặp phải không ít khó khăn, nổi bật là vấn đề tiếp cận thông tin đầu tư và nguồn nhân lực. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư vào KCN – KCX thì Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các yếu tố về thị trường, khung pháp lý liên quan đến bất động sản công nghiệp là một trong những vấn đề luôn được các doanh nghiệp quan tâm trước khi quyết định đầu tư vào KCN, KCX.

Trong các KCN-KCX của TPHCM, Khu Công nghệ cao tập trung nhiều doanh nghiệp FDI lớn với hơn 50 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 9,1 tỷ USD. Mỗi năm, các doanh nghiệp trong khu này có kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu ước đạt 12,9 tỷ USD, đạt gần 50% kế hoạch năm và tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Trong vài năm gần đây, do một số quy định mới, nhiều thủ tục doanh nghiệp phải liên hệ nhiều sở, ngành của thành phố, mất khá nhiều thời gian. Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam – Japan phản ánh công ty có dự án trong khu không gian khoa học của Khu Công nghệ cao TPHCM, được cấp phép đầu tư từ năm 2019 và đã bị treo dự án gần 3 năm vì vướng thủ tục quy hoạch cục bộ. Công ty được hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500, nộp hồ sơ về UBND thành phố Thủ Đức, mang sang Sở Xây dựng… rồi quay trở về Ban Quản lý Khu công nghệ cao nhưng vẫn chưa thực hiện được do các nơi chưa có sự thống nhất.

Trường hợp của công ty trên không phải cá biệt, hiện tại Khu Công nghệ cao TPHCM còn khoảng 48 trường hợp bị vướng mắc về quy hoạch như thiếu quyết định cho thuê đất, cần phải ban hành quyết định bổ sung khiến chậm trễ kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và ảnh hưởng doanh thu của nhà máy tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, trong quá trình triển khai hoạt động, các dự án có rất nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan cần phải giải quyết, gây mất thời gian của doanh nghiệp. Hành lang pháp lý để giải quyết là Nghị định 61 về cơ chế một cửa và một cửa liên thông, do đó, cần thực hiện cơ chế một cửa liên thông cho hiệu quả, phát huy vai trò đầu mối của Ban Quản lý trong việc tiếp nhận và trả hồ sơ nhằm giúp doanh nghiệp không mất thời gian đi giải thích cùng một nội dung cho nhiều cơ quan. Ngoài ra, cần cơ chế phối hợp các sở, ngành giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

Thu Dịu (https://haiquanonline.com.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hotline: 0989.34.60.80