Ít có ngành nghề kinh doanh nào mà quan hệ pháp luật lại phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như các công ước quốc tế như bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm khi thì được xem là giao dịch dân sự, lúc lại là hợp đồng kinh tế…
Nhằng nhịt quy định
Trong hệ thống pháp luật, không chỉ có luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm mà Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không, Luật Dầu khí, Luật Phòng cháy chữa cháy… cũng đều có quy định về bảo hiểm. Luật Thương mại có hẳn một chương về giám định và tổ chức giám định, được hiểu ngay rằng các quy định này điều chỉnh cả các hoạt động giám định tổn thất, thiệt hại của các đối tượng được bảo hiểm. Ngoài ra, còn vài chục công ước quốc tế về hàng hải cũng được vận dụng, dẫn chiếu khi giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm tàu biển và hàng hóa xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, việc “ông nói gà, bà nói vịt”, mỗi bên dẫn ra một căn cứ pháp luật khác nhau khá phổ biến trong các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
Chỉ riêng khái niệm “hợp đồng bảo hiểm”, căn cứ để xác định chủ thể hay các bên có liên quan trong một giao kết bảo hiểm, đã có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Như vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm xác định chỉ có chủ thể duy nhất đứng ra nhận bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng phía bên mua bảo hiểm thì có thể có người giao kết ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm để bảo hiểm cho người thứ ba được thụ hưởng hoặc người mua bảo hiểm chỉ định bên thứ ba nhận tiền bồi thường khi xảy ra tổn thất.
Còn theo Bộ luật Dân sự (Điều 567), hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trong trường hợp bảo hiểm tính mạng thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người đại diện theo uỷ quyền của họ. Nếu bên được bảo hiểm chết thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm. Quy định này đã phủ nhận địa vị pháp lý của người thụ hưởng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, người được nhận tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Việc không xác định rõ chủ thể bên trong hợp đồng bảo hiểm và quy định về việc chấm dứt hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự (Điều 424) khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện, đã khác hoàn toàn với các quy định pháp luật cũng như tập quán về kinh doanh bảo hiểm (Khi người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm là hai chủ thể khác nhau, người mua bảo hiểm chết, nhưng hợp đồng vẫn được duy trì và quyền lợi của người được bảo hiểm vẫn đảm bảo).
Cả Bộ lụât Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hàng hải đều quy định, hợp đồng bảo hiểm phải lập bằng văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên, ba luật này đều không nhất quán trong quy định, đã dẫn đến không ít các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Việc “ông nói gà, bà nói vịt”, mỗi bên dẫn ra một căn cứ pháp luật khác nhau khá phổ biến trong các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm
Nhiều rủi ro cho nhà bảo hiểm
Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động đặc thù, doanh nghiệp bảo hiểm bán cam kết của mình cho người mua bảo hiểm để thu phí. Cam kết của nhà bảo hiểm chỉ được biến thành tiền hay người mua bảo hiểm chỉ được hưởng sự phục vụ khi đã xảy ra sự kiện bảo hiểm, vì vậy, giao dịch này phải rất chặt chẽ, mọi thỏa thuận phải được hai bên ký kết bằng văn bản. Điều này có nghĩa là mọi vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng như phụ lục, sửa đổi bổ sung…, tất tật đều phải được thể hiện trên văn bản.
Vậy nhưng, Bộ Luật dân sự (Điều 572 khoản 2) quy định, trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí theo định kỳ thì bên bảo hiểm ấn định một thời hạn để bên mua đóng phí. Nếu hết thời hạn đó mà bên mua không đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng chấm dứt. Luật không quy định cụ thể thời hạn là bao lâu, hình thức thế nào. Vậy nếu DN bảo hiểm đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (theo doanh thu phát sinh), hoặc trả phí cho nhà tái bảo hiểm (trong trường hợp cần tái bảo hiểm) thì sẽ giải quyết ra sao?
Các văn bản pháp luật hiện hành cũng không có quy định cụ thể về hướng xử lý bồi thường sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người được bảo hiểm mới nộp phí, DN bảo hiểm thu phí là hợp đồng sẽ được khôi phục từ thời điểm đó và DN bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những tổn thất phát sinh sau ngày thu phí hay buộc phải bồi thường cả tổn thất đã xảy ra trước thời điểm thu phí. Thực tế, đã có doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ quyết định của tòa án, buộc phải bồi thường tổn thất trước thời điểm bên mua nộp phí, bởi theo quan điểm của thẩm phán, doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận phí, mà không có văn bản về việc khôi phục giá trị hợp đồng.
Một vướng mắc khác đối với DN bảo hiểm là cùng một hành vi, nhưng lại có những quy định chế tài khác nhau. Điều 132, Bộ luật Dân sự quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. Điều 137.2, Bộ Luật quy định: “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Trong khi đó, Điều 573.2, Bộ luật Dân sự lại quy định: “Trong trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai nhằm giao kết hợp đồng để hưởng tiền bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm chất dứt hợp đồng”. Pháp luật cũng quy định tương tự khi nhà bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật. Như vậy, với cùng một hành vi gian dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng Bộ luật Dân sự đã có tới hai cách xử lý khác nhau.
Việc quy định đương nhiên chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm tài sản của Bộ luật Dân sự (“Trong trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm được chuyển cho người khác thì chủ sở hữu mới đương nhiên thay thế chủ sở hữu cũ trong hợp đồng bảo hiểm, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản. Chủ sở hữu cũ là bên mua bảo hiểm phải báo cho chủ sở hữu mới biết về việc tài sản đã được bảo hiểm, báo kịp thời cho bên bảo hiểm về việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản”) cũng cần được làm rõ. Bởi người chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản hoàn toàn có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng để thu lại một phần phí đã đóng (theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm) và doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn có quyền hủy bỏ hợp đồng với tài sản khi thấy chủ sở hữu mới của tài sản không sử dụng đúng mục đích ban đầu.
Chuyện thế quyền của người bảo hiểm cũng cần được quy định cho rõ ràng hơn ở Bộ luật Dân sự. Nếu như Điều 248, Bộ luật Hàng hải quy định rất rõ nghĩa vụ của người được bảo hiểm trong việc đòi người thứ ba, ngoài việc có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng, còn phải áp dụng những biện pháp cần thiết để người bảo hiểm có thể thực hiện quyền truy đòi người thứ ba, nghĩa là bảo lưu quyền này cho người bảo hiểm (tương tự quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm) thì Bộ luật Dân sự chỉ quy định bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng cần thiết mà mình biết để bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu đối với người thứ ba. Người thứ ba biết doanh nghiệp bảo hiểm là ai nếu người được bảo hiểm không ký văn bản thế quyền?