Thị trường thép Trung Quốc đã thu được nhiều thành quả trong năm nay, hỗ trợ tích cực cho thị trường thép thế giới. Bằng việc đóng cửa các cơ sở sản xuất thép nhỏ lẻ, lạc hậu, bất hợp pháp gây ô nhiễm không khí, Trung Quốc đang trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành thép, mang đến diện mạo mới trên thị trường thế giới. Nhiều chuyên gia còn cho rằng sắp tới có thể là sự kiện “thiên nga đen” của Trung Quốc khi nước này chuyển thể từ nước xuất khẩu dồi dào sang nhập khẩu. Liệu điều này có thể mở ra bức tranh triển vọng cho thị trường năm sau?
Tổng kết thị trường năm 2017
Giá thép Trung Quốc biến động mạnh trong năm nay do sự đầu cơ. Tuy nhiên, giá tăng mạnh so với năm trước nhờ tồn kho thép ở mức thấp dựa vào các nỗ lực cắt giảm sản xuất giải quyết ô nhiễm không khí của Chính quyền Bắc Kinh.
Giá thép Trung Quốc tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng sau chính sách đóng cửa lò cảm ứng hồi cuối tháng 6 giúp loại bỏ hơn 100 triệu tấn thép trên thị trường và chính sách giảm sản xuất chống khói bụi trong mùa đông từ giữa tháng 11. Với trọng tâm là giải quyết ô nhiễm không khí, tái cơ cấu ngành thép, Chính phủ đã đóng cửa các cơ sở lạc hậu, nhỏ lẻ cũng như yêu cầu khu vực phía bắc cắt giảm công suất. Điều này đã thúc đẩy giá thép cây giao ngay lên mức cao nhất 9 năm trong năm nay, với lợi nhuận thu được của các nhà máy thép cây là 190 USD/tấn, tiếp tục vượt qua mặt hàng HRC. Theo đó, giá chào xuất khẩu các mặt hàng này cũng tăng mạnh, trên 600 USD/tấn.
Với giá thép tăng mạnh trong năm nay, giá các mặt hàng nguyên liệu thô cũng tăng lên mức cao. Chẳng hạn như giá quặng sắt 62% Fe giao ngay đã phá vỡ mốc 90 USD/tấn CFR hồi cuối tháng 2 trước khi giảm trở lại do chính sách cắt giảm sản xuất thép của Chính phủ. Hiện tại, giá vẫn dao động trên mức 60 USD/tấn.
Giá thép tăng cũng khuyến khích các nhà máy thép, nhất là các nhà máy lớn gia tăng công suất để kiếm lời, dẫn tới sản lượng thép thô lập kỷ lục liên tục qua từng tháng kể từ tháng 4 tới tháng 8 (ngoại trừ tháng 5). Tuy nhiên, nhờ tiêu thụ trong nước cũng mạnh từ các dự án xây dựng nên tồn kho thép ở mức thấp, trợ giá.
Tiêu thụ nội địa năm nay tốt, kích thích bởi sự gia tăng chi phí đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Chính phủ trước Kỳ họp Quốc hội Đảng lần thứ 19. Tăng trưởng kinh tế cũng vượt mức dự báo, cộng với nguồn cung giảm đã đem lại năm tăng trưởng tốt cho thị trường thép Trung Quốc.
Triển vọng thị trường năm 2018
Nhân tố thuận lợi cho thị trường thép
Trung Quốc vẫn đang trong tiến trình tái cơ cấu ngành thép cho tới năm 2020 theo mục tiêu đề ra hồi năm 2016. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên của Chính quyền mới sau Đại Hội Đảng lần thứ 19 nên Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở, thúc đẩy việc tiêu thụ thép.
Các chính sách từ Chính phủ luôn ảnh hưởng trực tiếp tới ngành thép. Trong năm sau, Chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục đưa ra các ý tưởng dự án đô thị mới và xúc tiến những dự án cũ Xinogan, con đường tơ lụa. Hồi tháng 4/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố ý tưởng xây dựng dự án siêu đô thị Xiongan để chuyển đổi nền kinh tế sang tập trung vào dịch vụ và tiêu dùng. Tiếp theo đó tới tháng 5/2017, Ông tiếp tục công bố sáng kiến “một vành đai, một con đường” nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu. Trong năm 2018, Đại dự án Vành đai, Con đường sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, hỗ trợ thị trường thép Trung Quốc.
Trung Quốc đã rất chú trọng tới vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường từ ngành sản xuất cũng như giải quyết nguồn cung dư thừa trong nước trong những năm nay và sẽ tiếp tục được quan tâm trong năm 2018. Trong năm 2017, Trung Quốc đã hoàn thành được mục tiêu cắt giảm 50 triệu tấn thép từ các cơ sở sản xuất lạc hậu, bất hợp pháp, xác sống, đẩy giá thép lên mức cao gần 4 năm. Chính quyền Trung Quốc đang xúc tiến chính sách giảm sản xuất mùa đông (15/11/2017-15/3/2018), theo đó nguồn cung thép những tháng đầu năm giảm. Trong năm 2018 có thể cũng diễn ra nhiều quá trình sáp nhập quy mô lớn của các công ty thép để thúc đẩy vốn, thực hiện tái cơ cầu ngành thép.
Giá các nguyên liệu thô như than đá, phế thép, niken , (ngoại trừ quặng sắt) có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm sau dựa vào nguồn cung thắt chặt, tiếp tục hỗ trợ giá.
Trong tháng 12/2017, Bộ tài chính Trung Quốc đã công bố cắt giảm thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm thép dây và thanh từ ngày 1/1/2018. Thuế xuất khẩu thép tấm không gỉ sẽ giảm xuống 5% từ 10%, trong khi thuế phôi thép sẽ là 10%, giảm từ 15% hiện nay. Thuế giảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép Trung Quốc tăng tính cạnh tranh ở thị trường ngoài nước, giảm áp lực nguồn cung trong nước và dọn đường cho giá nội địa tăng.
Trung Quốc đã thực hiện chính sách giảm sản xuất trong mùa đông năm nay, thúc đẩy giá thép tăng mạnh, đem lại hiệu quả cho thị trường. Do đó, chính quyền nước này có thể sẽ lặp lại chính sách này vào mùa đông năm 2018 để tiếp tục thúc đẩy ngành thép.
Nhân tố bất lợi cho thị trường thép
Trong năm 2017, Trung Quốc đã đạt được một số tiến triển trong việc ứng phó tình trạng nợ tăng mạnh. Dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2017 cảnh báo nợ của Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ nguy hiểm và mới đây cho rằng các ngân hàng Trung Quốc cần tăng vốn để phòng tránh những rủi ro liên quan tới vấn đề nợ.
Theo ước tính trung bình của các chuyên gia kinh tế do Bloomberg khảo sát, đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng 12% trong năm 2018, giảm so với mức gần 20% trong 10 tháng năm 2017. Quan điểm này cho rằng lĩnh vực xây dựng Trung Quốc sẽ bắt đầu đi xuống trong năm tới bởi giới chức Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm định hình lại các thị trường tài chính, trong đó tập trung vào việc quản lý nợ. Điều này chặn nguồn tiền đầu tư, cũng như gây khó khăn cho việc huy động vốn phục vụ các dự án. Chính phủ sẽ có các biện pháp kiềm chế giá nhà đất tăng cao và những nỗ lực để đối phó với rủi ro nợ ngày càng lớn của Chính phủ Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại khi thị trường bất động sản giảm nhiệt. Theo đó, tiêu thụ thép xây dựng suy yếu và gây sức ép cho giá. Tuy nhiên, sẽ không quá tồi tệ đến mức thành khủng hoảng.
Sau khi đã hoàn thành chính sách giảm sản xuất mùa đông đầu năm tới, các nhà máy Trung Quốc sẽ bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trở lại để kiếm lời. Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất lò EAF để tăng lợi nhuận cũng như tận dụng nguồn cung phế dư thừa giá rẻ sau khi các lò cảm ứng bị loại bỏ. Các nhà máy cũng đã có kinh nghiệm sau thời gian bị đình chỉ năm 2017 nên sẽ nâng cấp các hệ thống xử lý khí thái của mình theo quy định tiêu chuẩn môi trường, theo đó nếu có áp dụng giảm sản lượng thì mức giảm cũng nhỏ.
Những hiện tượng thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng tới các hoạt động xây dựng và tiêu thụ thép. Theo quan sát thì từ tháng 12-tháng 2 năm sau khả năng sẽ xảy ra hiện tượng La nina (lạnh), cản trở hoạt động xây dựng trong những tháng đầu năm.
Chính quyền Trump đang rất mạnh tay bảo vệ ngành sản xuất trong nước thông qua những chính sách thuế quan, hạn ngạch nghiêm khắc, nhất là đối với Trung Quốc (nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới). Trong ngày 5/12, Bộ Thương mại Mỹ cũng ra phán quyết áp các mức thuế cực cao dành cho thép nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi phát hiện các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã trốn tránh các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ. Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018. Bên cạnh Mỹ thì Trung Quốc cũng là mục tiêu áp thuế chống bán phá giá hàng đầu ở các thị trường EU, Châu Á,..Đây là thách thức mà Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối mặt với lượng sản xuất khổng lồ trong nước.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với tính cạnh tranh ngày càng tăng trên các thị trường xuất khẩu, đặc biệt ở khu vực Châu Á khi thị trường tiêu thụ này ngày càng thu hút những nhà sản xuất khác có giá cả cạnh tranh hơn . Trong năm 2017 đánh dấu sự trở lại của xuất khẩu thép Ấn Độ tới Châu Á cũng như các nhà máy Ả Rập Saudi đã bắt đầu có các chuyến viếng thăm tới đây để sẵn sàng chào bán. Việc giữ giá chào ở mức quá cao có thể khiến các nhà máy Trung Quốc mất dần thị phần tại khu vực.
Triển vọng giá thép năm 2018
Giá thép Trung Quốc nửa đầu năm 2018 dự sẽ tiếp tục biến động dựa vào các chính sách kiểm soát cũng như kích cầu từ Chính phủ. Tuy nhiên, giá cả sẽ không quá leo thang như năm nay do Trung Quốc đang tiến hành siết chặt kiểm soát nợ xấu, tín dụng cũng như thị trường bất động sản hạ nhiệt.
Tiêu thụ thép Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tháng đầu năm do các thương nhân tăng thu mua để tích trữ nguyên liệu trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ tết kéo dài. Trong khi đó, nguồn cung thép giảm dựa vào chính sách mùa đông có thể dẫn tới thiếu hụt nguyên liệu, giá nguyên liệu thô tăng tạo thuận lợi cho giá thép nội địa Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ giá xuất khẩu tăng thêm khoảng 20 USD/tấn. Thép cây tiếp tục gia tăng mạnh hơn HRC nhờ tiêu thụ tăng từ ngành xây dựng cũng như nguồn cung giảm mạnh hơn. Do đó, giá có thể dao động vào tầm 590-610 USD/tấn FOB còn HRC tầm 580-590 USD/tấn FOB.
Sau đó, sức mua sẽ dần suy yếu trong tháng 2 do ảnh hưởng lễ tết, thời tiết lạnh khắc nghiệt cản trở các hoạt động xây dựng, kéo giá giảm lại cho tới cuối tháng 3, đầu tháng 4. Tiêu thụ thép giảm nhưng đồng thời với đó nguồn cung thép cũng giảm nên giá không lún quá sâu. Mức giảm trong 2 tháng khoảng 20-30 USD/tấn.
Thời tiết ấm dần lên từ cuối tháng 3 sẽ thúc đẩy các dự án xây dựng, kéo người mua trở lại đặt hàng. Giá cả theo đó cũng dần phục hồi trở lại. Tuy nhiên, lợi nhuận thép cao sẽ thúc đẩy các nhà máy gia tăng công suất để kiếm lời sau khi đã hoàn thành chương trình cắt giảm sản xuất trong mùa đông vào giữa tháng 3 nên có thể cản trở đà tăng giá thép những tháng sau đó, dẫn tới giá cả bắt đầu biến động. Tiêu thụ thép trong tháng 5-tháng 6 thông thường suy yếu do ảnh hưởng mưa nhiều, thời tiết nắng nóng. Giá biến động và dự báo rơi vào tầm 570-580 USD/tấn FOB vào cuối Qúy 2.
Do có nhiều yếu tố thị trường thay đổi cũng như các chính sách ngành thép Trung Quốc tác động tới giá cả nên dự báo nửa cuối năm sẽ cập nhật sau.
Sản lượng thép thô
Sản lượng thép thô Trung Quốc đạt kỷ lục vào năm nay và có thể sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm sau Chính phủ Trung Quốc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhu cầu các mặt hàng xây dựng.
Nguồn lợi nhuận cao sẽ khuyến khích các nhà máy gia tăng công suất để kiếm lời, nhất là sau khi bị hạn chế công suất trong giai đoạn mùa đông từ tháng 11/2017 tới tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, với tăng trưởng tiêu thụ thép dự báo chỉ ổn định và chính quyền Trung Quốc xoáy trọng tâm vào vấn đề môi trường, từng bước chuyển đổi nền kinh tế sản xuất sang dịch vụ nên mức gia tăng sản lượng sẽ không đáng kể, chỉ tầm 5-6 triệu tấn so với năm nay, lên gần 840 triệu tấn.
Quặng sắt
Trong năm 2017, giá quặng giao ngay đã từng phá vỡ mốc 90 USD/tấn hồi tháng 2 nhờ giá thép tăng, thúc đẩy các nhà máy gia tăng công suất. Tuy nhiên, chính sách giảm sản xuất kéo dài tới tháng 3 năm sau sẽ làm giảm tiêu thụ quặng, kéo giá suy yếu xuống dưới 60 USD/tấn trong những tháng đầu năm.
Nguồn cung quặng cũng đang bắt đầu tăng trong khi các nhà máy Trung Quốc đang chuộng sử dụng phế vì kinh tế hơn, hiệu quả hơn nên có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung dư thừa tại cảng. Do đó, giá những tháng đầu năm có thể có thời điểm xuống 55 USD/tấn trước khi phục hồi về quanh mức 60 USD/tấn trong Qúy 2.
Kết luận: Thị trường thép Trung Quốc nửa đầu năm sau sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu ngành thép của Chính phủ cũng như nguồn cung giảm. Tuy nhiên, ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về giải quyết nợ xấu, nguồn cung dư thừa, thị trường bất động sản hạ nhiệt nên giá cả không quá biến động và leo thang như năm nay.
Lưu ý: Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.
Nguồn tin: satthep.net