2018 hứa hẹn sẽ là một năm quyết định cho thương mại với một loạt sự kiện đáng mong chờ. Từ việc đàm phán lại Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ – Hàn (KORUS), và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP) cho đến số phận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gần 12 tháng tiếp theo có thể chứng kiến sự gián đoạn của chế độ thương mại toàn cầu mà Tổng thống Donald Trump coi như “nhân vật phản diện” tàn phá nền kinh tế Mỹ.
Một chiếc tàu chở hàng tại bến cảng Miami (Nguồn: Reuters).
Cuộc họp cấp bộ trưởng WTO cuối năm ngoái thất bại khi không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào mới. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của thương mại là việc Washington đang dần từ bỏ vai trò lịch sử của mình.
Kể từ khi giúp hình thành Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, “người tiền nhiệm” của WTO (1948), nước này luôn dẫn dắt mọi vòng tự do hóa thương mại. Trong gần 7 thập kỷ qua, thương mại toàn cầu tăng gấp đôi so với nền kinh tế toàn cầu. Kỷ nguyên này đã kết thúc!
Nước Mỹ của Trump: Không muốn lãnh đạo, chỉ muốn thắng
Ông Trump vào nhiệm sở mang theo cơn giận với mọi thỏa thuận thương mại mà Mỹ đang có. Ông tố cáo NAFTA, bác bỏ TPP, WTO và KORUS. Nhà lãnh đạo rút khỏi TPP ngay ngày đầu tiên mặc dù những chuyên gia coi đây như một trụ cột của chiến lược Mỹ – Á.
Thực ra mà nói, ông Trump không phải không có lý khi đòi xem lại những hiệp định này. Dù không hẳn là do thương mại, công nghệ và tự động hóa đang thay đổi bức tranh toàn cầu trong thế kỷ này. Vì vậy, cập nhật văn kiện để đưa ra quy tắc cho các công nghệ mới như thương mại điện tử hay bảo vệ môi trường là đúng.
Ông Trump bắt tay Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Nhà Trắng ngày 13/2/2017 (Nguồn: Getty Images).
Tuy nhiên, cách nhìn “có người được thì phải có kẻ mất” (zero-sum game) của vị Tổng thống tỷ phú đi ngược lại với kinh tế học. Mặc dù kêu gọi thương mại 2 chiều, tự do và công bằng, mối quan tâm duy nhất của ông là liệu Mỹ có thâm hụt song phương hay không.
Hiệp định thương mại được thiết kế để mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của các đối tác thương mại chứ không phải đảm bảo kết quả, dù là thặng dư hay thâm hụt. Nếu nhìn theo cách này, thương mại công bằng là một tiêu chuẩn không tưởng. Tôi có một thâm hụt với đại lý bán xe nhưng tôi có một chiếc xe mới – một trao đổi công bằng.
Dự trữ và đầu tư của một quốc gia, cho dù chi tiêu nhiều hơn sản xuất, sẽ xác định mức thâm hụt. Bất kỳ hiệp định song phương nào của Mỹ đều có thể làm giảm thâm hụt với một quốc gia cụ thể. Nhưng cũng giống như trò “đập thú”, thâm hụt sẽ lại xuất hiện ở một nơi khác, với một đối tác thương mại khác.
“Khai tử WTO từ bên trong”
Bài phát biểu của ông Trump tại hội nghị Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng tháng 11/2017 gần như là cú giáng mạnh vào hệ thống thương mại toàn cầu. Ông bác bỏ mọi thỏa thuận đa phương, nói rằng Washington sẽ chỉ đàm phán các hiệp định song phương.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017 (Nguồn: Associated Press).
Không chỉ thế, vị nguyên thủ tố cáo WTO là không công bằng (mặc dù Mỹ là nước đâm đơn kiện nhiều nhất, và cũng thắng gần hết). Chính quyền Trump thậm chí còn ngăn chặn việc bổ nhiệm 2 thẩm phán mới nhằm cản trở cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này, gây áp lực để các thành viên khác phải chấp nhận kế hoạch cải cách do Mỹ đưa ra.
Bà Cecilia Malmström, quan chức thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ lo ngại rằng Washington muốn “khai tử WTO từ bên trong”. Mặc dù vậy, đại diện Mỹ Robert Lighthizer khẳng định nước này chỉ muốn sửa chứ không phải chấm dứt WTO.
Tương lai bất ổn… cho cả thế giới, và cho cả Mỹ
Chính quyền Trump đang hướng tới hành động đơn phương và dự định áp đặt lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc vì cho rằng cường quốc châu Á cạnh tranh không công bằng và vi phạm sở hữu trí tuệ. Kịch bản này có thể sẽ xảy ra trong năm nay và gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Số phận của NAFTA cũng sẽ sớm được định đoạt. Ông Trump đặt ra yêu cầu phải tái đàm phán 5 năm một lần, chấm dứt cơ chế giải quyết tranh chấp và thay đổi quy tắc cho các nhà sản xuất ô tô. Mexico và Canada cho rằng cả 3 thay đổi sẽ giết chết thỏa thuận. Không hãng ô tô lớn nào ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ vì sợ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở châu Á, Seoul lo ngại rằng KORUS cũng sẽ gặp rủi ro tương tự.
Nếu chiến tranh thương mại xảy ra, chưa chắc thế giới có người thắng cuộc. Trong khi đó, viễn cảnh này sẽ làm dấy lên chủ nghĩa bảo hộ từng xuất hiện trong những năm 1930, làm xói mòn trật tự dựa trên luật lệ mà Mỹ từng cổ súy. Kết quả là, cường quốc có thể bị cô lập vì chỉ chiếm 13% thương mại toàn cầu, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn tiến về phía trước.
EU đang ký hiệp ước thương mại với Canada và Nhật Bản đồng thời tìm cách theo đuổi các thỏa thuận bổ sung ở Mexico và trên toàn thế giới. CPTPP có thể sẽ được hoàn tất trong 2018. Mỹ cậy lớn muốn chơi một mình nhưng cũng có thể sẽ bị bỏ lại một mình trong cuộc chơi toàn cầu.
Trang Hồ / Theo Business Insider, Reuters.
Nguồn: ndh.vn